Khám phá ẩm thực của đất nước hạnh phúc Bhutan
12/12/2019
Ẩm thực Bhutan chịu ảnh hưởng từ các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc, Tây Tạng và Ấn Độ, nhưng vẫn giữ được nét độc đáo riêng. Các món ăn ở đây ít dầu mỡ hơn Trung Quốc, Ấn Độ và cay hơn hầu hết các món của Tây Tạng.
EMA DATSHI - ỚT NGÂM PHÔ MAI
Ema datshi là món ăn phổ biến và nổi tiếng nhất ở Bhutan. Ở Bhutan, không chỉ mỗi ngày mà có thể nói là mỗi bữa ăn đều thấy có sự hiện diện của món ăn này. Nguyên liệu chính để làm Ema datshi chính là ớt và phô mai, ngoài ra đôi khi còn có thêm bơ để tăng vị béo.
Ớt ở đây có thể là ớt đỏ hoặc ớt xanh đều được. Mặc dù thành phần chính là thế nhưng tùy theo mỗi đầu bếp mà món Ema datshi sẽ có công thức riêng biệt tạo nên vị đa dạng hơn cho món ăn truyền thống này.
SHAKAM EMA DATSHI - KHÔ BÒ XÀO PHÔ MAI
Nếu đã đến Bhutan thì bạn phải làm quen với nhiều món ăn có nguyên liệu là phô mai và Shakam ema datshi là món cũng không ngoại lệ. Shakam ema datshi là món ăn được làm từ khô bò, một trong những loại thịt nổi tiếng nhất ở Bhutan.
Thịt bò này được sấy khô và bảo quản nhưng do cắt dày hơn nên nó không quá khô mà vẫn còn độ ẩm để lưu giữ vị ngon của bò. Và món Shakam ema datshi này là hỗn hợp giữa khô bò, phô mai và bơ nấu chung nên vừa có vị ngọt của bò, vừa có vị béo ngậy của bơ và phô mai. Do đó, đây luôn là món ăn đáng thử đối với khách du lịch khi đến Bhutan.
PHAKSHA PAA - THỊT LỢN XÀO ỚT
Ngoài thịt bò ra thì thịt lợn cũng được yêu thích rộng rãi khắp Bhutan và món phaksha paa này là một ví dụ điển hình. Lát thịt lợn được xào với ớt đỏ và đôi khi cũng có sự góp mặt của các loại rau dại trên núi. Món này được ăn kèm với cơm và nếu được trộn thêm phô mai datshi nữa thì càng ngon tuyệt.
GONDO DATSHI - TRỨNG RÁN PHÔ MAI
Gondo datshi là món trứng rán bơ. Trứng được trộn với phô mai datshi cùng một lượng lớn bơ và nếu thích ăn cay thì người ta còn cho thêm các hạt ớt khô vào. Kết quả thu được một hỗn hợp trứng ngấm đều phô mai, bơ nên vừa ngon, vừa béo hấp dẫn bất ngờ.
JASHA MARU - GÀ HẦM
Jasha Maru là món hầm gà Bhutan, hoặc đôi khi món này còn được gọi là cà ri gà. Đây là một trong những món ăn không chỉ được nhiều người Bhutan mà còn cả người nước ngoài ưa chuộng. Đặc biệt, món Jasha Maru này còn cho rất nhiều gừng nên hương vị cay nồng và làm nên bản sắc riêng cho món cà ri gà ở Bhutan.
BÁNH HOENTAY
Hoentay có nguồn gốc từ thung lũng Haa ở Bhutan và tương tự như loại bánh momo ở Ấn Độ, Nepal, Tây Tạng nhưng phần vỏ bánh được làm từ bột kiều mạch. Các Hoentay này thường được lấp đầy bằng hỗn hợp rau bina hoặc lá củ cải và phô mai, chúng có thể được hấp hoặc chiên. Đặc biệt, trên đĩa Hoentay bao giờ cũng có một ít nước xốt ớt đặc trưng của Bhutan nên càng khiến nhiều người mê mẩn món ăn này.
KHATEM - MƯỚP ĐẮNG TẨM CHIÊN GIÒN
Khatem được làm từ quả mướp đắng có rất nhiều ở Việt Nam. Tuy nhiên, khác hẳn cách chế biến mướp đắng ở Trung Quốc lẫn Việt Nam, mướp đắng ở Bhutan thường được cắt lát mỏng rồi ướp gia vị và rán với bơ. Món Khatem được người Bhutan xem tương tự như snack khoai tây ở phương Tây và thường được dùng trong bữa sáng là phổ biến.
BÁNH KHUR-LE
Khur - le là món ăn sáng phổ biến ở Bhutan. Đây là loại bánh được làm từ bột kiều mạch, lúa mì hoặc lúa mạch. Khur - le không phải là món ăn đơn lẻ mà thường được dùng chung với các món ăn chính ở Bhutan như ema datshi hoặc shakam datshi, hoặc thậm chí chỉ với trứng và ezay (nước xốt ớt). Món này phổ biến đến mức khi đến Bhutan bạn có thể thấy nó mỗi bữa sáng trong thực đơn ở khách sạn.
PUTA - MÌ KIỀU MẠCH
Puta là món mì truyền thống của người Bhutan, đặc biệt phổ biến ở vùng Bumthang của Bhutan. Puta là mì ăn liền được làm từ kiều mạch, loại cây có thể trồng được ở độ cao lớn. Đối với món puta, mì có thể được phục vụ bằng cách luộc chín nhưng đôi khi mì được xào trong dầu mù tạt cùng với một chút gia vị muối và hạt tiêu Tứ Xuyên (Trung Quốc).
SUJA - TRÀ BƠ
Nếu như món trà sữa phổ biến ở nhiều nước trên thế giới thì ở Bhutan người dân lại thích uống trà bơ Suja, đặc biệt là vào những buổi sáng lạnh lẽo. Ngoài Bhutan thì món trà bơ này cũng được phổ biến trên khắp Tây Tạng và các vùng của Nepal. Trà được làm bằng lá trà thông thường hoặc đôi khi có thêm các loại thảo mộc núi rồi khuấy tan với bơ và một ít muối nên vừa có vị thơm của trà, vị béo của bơ mà chính vị mặn mặn của muối lại càng khiến loại đồ uống này ngon miệng hơn.
Cũng giống nhiều nước ở châu Á, cách ăn truyền thống là dùng tay. Và nếu dùng dao nĩa với bát gỗ thì sẽ làm xây xước chúng, nên tốt nhất là dùng tay để ăn. Một trong những cách truyền thống để ăn đồ ăn Bhutan là nắm những nắm cơm nhỏ làm từ gạo đỏ, sau đó chấm vào đĩa thức ăn mặn.
>>> Xem thêm: DU LỊCH BHUTAN: HÒA MÌNH VÀO LỄ HỘI THIMPHU TSHECHU ĐẦY MÀU SẮC
Nguồn: ST